Mẹo hay: “Nghệ thuật” dùng đũa trên bàn ăn

“Nghệ thuật” dùng đũa trên bàn ăn

- Đối vớí người phương Đông, đôi đũa không chỉ là phương tiện ăn uống mà nó còn là nét văn hoá. Trên bàn ăn, việc sử dụng đũa thế nào trong tương quan với các đồ vật khác cũng là yếu tố đem lại sự thoải mái, hài lòng không chỉ với người dùng mà cả những người xung quanh.

Đũa và thìa

“Nghệ thuật” dùng đũa trên bàn ăn

Không giống như thói quen sử dụng đũa trong suốt bữa ăn của người Việt Nam hay Trung Quốc, người dân Hàn Quốc dùng thìa để ăn cơm. Ở đất nước này, việc và cơm hay dùng đũa đưa đồ ăn vào miệng được coi là hành động bất lịch sự.Với họ, bát cơm cũng như tất cả bát, đĩa khác phải luôn được đặt trên bàn để cho mọi người có thể sử dụng đũa gắp thứa ăn vào bát riêng của mình trước khi dùng tới thìa. Chỉ có một vài món mỳ nhất định mới được “ưu tiên” dùng đũa trực tiếp thay vì dùng thìa.

Cách đặt đũa cạnh thìa trên bàn ăn của người Hàn Quốc cũng được quy định nghiêm ngặt. Ở đó, đũa tuyệt đối không bao giờ đặt ở bên trái thìa, bởi theo phong tục truyền thống của những người dân nước này, chỉ trong lúc chuẩn bị thức ăn cúng tại các đám tang, hay trong ngày giỗ, người ta mới đặt đũa và và thìa theo cách đó.

Đũa và bát

Với người Trung Quốc sẽ thật bất tiện khi phải ngồi chung bàn với ai đó cứ gõ leng keng vào cạnh bát, hoặc khua khoắng đũa lung tung khắp nơi. Chỉ những người ăn xin mới chủ ý gây ra tiếng động này để thu hút sự chú ý. Việc vừa ăn vừa chỉ đũa vào mặt người khác cũng sẽ nhận được những cái nhíu mày khó chịu của những người xung quanh.


“Nghệ thuật” dùng đũa trên bàn ăn

Ở Việt Nam, mỗi người chỉ có duy nhất một đôi đũa trong suốt bữa ăn, thì với Hồng Kông, số lượng này sẽ tăng lên gấp đôi. Một đôi dùng để gắp thức ăn từ đĩa chung vào bát của mình trong khi đôi còn lại chỉ dùng với những thứ đã có trong bát. Đặc biệt, trong cùng một bàn ăn, mỗi người sẽ “sở hữu” những đôi đũa có màu khác nhau để dễ phân biệt với mọi người khác.

Đũa và cách đặt đũa

Đã từ lâu, phong tục thờ cúng tổ tiên, thắp hương mỗi dịp ma chay, giỗ Tết ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...là nét đẹp văn hoá, thể hiện kính trọng của người còn sống đối với những người quá cố. Cũng vì thế mà những vật có dạng que cắm thẳng lên thức ăn được coi là biểu tượng thờ cúng người chết. Với người dân những nước này, chống đũa vào bát cơm hay dùng đũa xiên thức ăn đều rất kiêng kị.

Nổi tiếng với văn hoá ẩm thực tỉ mỉ và có phần cầu kì, việc đặt đũa thế nào cho đúng đối với người Nhật là cả một nghệ thuật. Cũng giống như người Đài Loan, người dân xứ Phù Tang không bao giờ đặt đũa thẳng xuống mặt bàn mà thường kê đũa lên cạnh bát hoặc đồ kê đũa chuyên dụng. Một mảnh khăn ăn gấp lại cũng có thể biến thành vật kê đũa. Đôi đũa của người Nhật bao giờ cũng đặt song song theo chiều từ trái qua phải, đầu đũa nằm ở bên trái. Tất cả các cách đặt đũa theo chiều ngược lại, hoặc chéo nhau đều không bao giờ được chấp nhận ở đất nước này.

“Nghệ thuật” dùng đũa trên bàn ăn

Và chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên khi biết rằng, ngay cả cách đặt đũa của những người Hồng Kông cũng có thể trở thành những tín hiệu ngầm. Đặt đũa trên miệng bát ám chỉ “Tôi đã dùng xong bữa”, trong khi đó, kê đũa lên đồ gác đũa lại có ý “Tôi sẽ tiếp tục dùng bữa sau khi nghỉ một lát”.

Đũa và mọi người cùng bàn ăn

Người Trung Quốc chỉ tiếp thức ăn cho những người được coi là thân thiết với mình như ông bà, bố mẹ hoặc bạn bè thân....nếu họ ngồi quá xa món ăn hoặc gặp một vài khó khăn nào đó trong việc tự mình gắp chúng. Tuy vậy, trong bữa cơm gia đình, việc tiếp thức ăn cho những người cao tuổi trước khi bắt đầu bữa ăn lại được xem là một hành động thể hiện sự kính trọng.


“Nghệ thuật” dùng đũa trên bàn ăn

Việc tiếp thức ăn cho nhau trong văn hoá Nhật Bản không bị giới hạn hẹp như vậy. Nhưng dù thế nào đi nữa thì người Nhật cũng tối kị “truyền” thức ăn cho nhau trực tiếp bằng đũa, bởi hành động này mô phỏng giống hệt phong tục đám ma truyền thống của đất nước họ. Trong những đám ma của người Nhật, sau khi đem hoả táng người đã khuất, những người thân lần lượt gắp xương của người thân đã mất rồi truyền bằng đũa cho nhau. Cho tới nay, người ta vẫn tin rằng truyền thức ăn theo cách này sẽ đem đến sự xui xẻo, chết chóc trong gia đình.

Ở bất cứ quốc gia nào, việc tiếp thức ăn bằng đũa cho người khác xem ra cũng không phải một việc đơn giản. Đổi đầu đũa, hoặc dùng đôi đũa sạch khác luôn được khuyên dùng để bày tỏ sự lịch sự và hiếu khách, nhưng vẫn bảo đảm sạch sẽ và cảm giác ngon miệng cho người nhận.

“Nghệ thuật” dùng đũa trên bàn ăn

Mạng Xã Hội
Mạng Xã Hội
Xem nhiều nhất trong tuần